Năng lượng tái tạo

Phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt năng lượng gió đang là một xu thế mạnh mẽ của thế giới nhằm tìm kiếm một giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng trong thời đại các nguồn năng lượng hóa thạch đang cạn kiệt và các tác động nghiêm trọng của chúng đối với môi trường.

Việt Nam đặt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân 5 năm 2016-2020 tăng 6,5-7%/ năm. Theo các chuyên gia tính toán, nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế, nhu cầu tiêu thụ điện năng sẽ có tốc độ tăng trưởng 8,5%/năm. Đây là áp lực rất lớn đối với các nhà cung cấp điện khi phải đầu tư xây dựng các nhà máy điện, đồng thời giải quyết các vấn đề nghiêm trọng như sự cạn kiệt và biến động không ngừng về giá của nhiêu liệu hóa thạch, các tác động đến môi trường, biến đổi khí hậu…

Trong tình hình cấp bách như vậy, năng lượng tái tạo và đặc biệt là điện gió, là giải pháp bền vững. Theo “Quy hoạch phát triển điện quốc gia cho giai đoạn 2010-2020 tầm nhìn 2030” được ban hành bởi Thủ tướng Chính Phủ, mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam vào năm 2020 đạt 4,5%, năm 2030 là 6% trong tổng nguồn cung cấp điện cả nước, trong đó điện gió phải đạt công suất lắp đặt 1000 MW năm 2020, và 6200 MW năm 2030, chiếm tỷ lệ 0,7% từ 2020 lên 2,4% trong 2030.

Đặc biệt, miền Nam Việt Nam với nhu cầu phụ tải chiếm 50% tổng nhu cầu cả nước (năm 2013 khoảng trên 10.000 MW), đang phụ thuộc rất lớn chủ yếu từ các nhà máy điện ở miền Bắc cũng như miền Trung Việt Nam thông qua sự truyền tải của đường dây 500 kV luôn trong tình trạng quá tải nghiêm trọng cũng như không đảm bảo về tính an ninh năng lượng cho khu vực.

Trước thực trang thiếu hụt trầm trọng nguồn cung điện ở miền Nam Việt Nam, đặc biệt là khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Tập Đoàn Phú Cường với tâm huyết cũng như tiềm lực và kinh nghiệm của mình đã mạnh dạn đầu tư nghiên cứu cho việc phát triển các dự án điện gió tại tỉnh Sóc Trăng với quy mô công suất lên tới 800 MW cùng tổng vốn đầu tư xấp xỉ 2 tỷ đô la Mỹ, mục tiêu đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện năng của ĐBSCL dựa trên nguồn năng lượng bền vững, thân thiện với môi trường. Cùng với các đối tác là các tập đoàn hàng đầu thế giới, dự án được kỳ vọng sẽ áp dụng các công nghệ kỹ thuật tiên tiến nhất, hiệu quả nhất nhằm tận dụng tối đa lợi thế về tiềm năng gió tại khu vực.

Bước đầu, Nhà máy Điện Gió Phú Cường 1 với tổng công suất lắp đặt 170 MW dự kiến sẽ khởi công vào Quý IV năm 2016 và bắt đầu vận hành năm 2017. Tọa lạc tại bãi bồi ven biển thuộc các phường Vĩnh Phước, phường 1, phường 2 và xã Lạc Hoà của thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng với diện tích khoảng 3.300 hecta, một trong những vị trí được các chuyên gia đánh giá là có tiềm năng gió tốt nhất của tỉnh Sóc Trăng với tốc độ gió trung bình 7,4 m/s (độ cao 94m). Nhà Máy Điện Gió Phú Cường I khi đi vào hoạt động sẽ cung cấp gần 666.179 MWh/năm, góp phần tăng cường nguồn cấp điện cho khu vực, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho tỉnh Sóc Trăng và các tỉnh trong khu vực, phù hợp với chiến lược phát triển năng lượng của Việt Nam.

Dự án tận dụng diện tích biển ven bờ nên sẽ không ảnh hưởng đến việc nuôi trồng và sinh hoạt của người dân, bảo vệ rừng ngặp mặn, giảm ảnh hưởng của nước biển dâng. Mặt khác, khi dự án đi vào hoạt động sẽ tạo ra công ăn việc làm, là động lực phát triển ngành du lịch địa phương, cải thiện đời sống cư dân cũng như góp phần bảo vệ môi trường.

Dự án Điện gió của Tập đoàn Phú Cường đáp ứng đầy đủ các lợi ích của quốc gia và khu vực. Khi đi vào hoạt động, dự án sẽ là biểu tượng và động lực cho nỗ lực phát triển bền vững các nguồn năng lượng tái tạo ở Việt Nam. Đây cũng là sự cam kết mạnh mẽ của Tập đoàn Phú Cường cho một sự phát triển thịnh vượng và bền vững trong tương lai.